Nhân rộng mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị ở Vĩnh Linh

Những năm trở lại đây, chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ gặp không ít khó khăn do nguồn gốc con giống chưa đảm bảo, chi phí đầu tư tăng cao lại khó tránh khỏi tác động bởi dịch bệnh, giá cả, thị trường tiêu thụ. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, huyện Vĩnh Linh triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hình thức trang trại, gia trại gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Đầu năm 2023, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh thực hiện thử nghiệm mô hình chăn nuôi lợn thịt hữu cơ, an toàn sinh học gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại xã Vĩnh Thái. Tham gia mô hình có 9 hộ dân, quy mô tổng đàn 45 con lợn thịt. Kinh phí từ huyện hỗ trợ 189 triệu đồng. Sau khi tiến hành nâng cấp chuồng trại, tiêu độc khử trùng, đáp ứng các điều kiện cần thiết, cuối tháng 5/2023, số lượng con giống đã cấp đến từng hộ để bắt đầu quy trình thả nuôi.

Tháng đầu tiên lợn ăn theo chế độ thức ăn công nghiệp, qua tháng thứ 2 ăn thức ăn phối trộn gồm: cám, bột ngô, đạm cá… Thời điểm lợn thịt đạt trọng lượng, 9 hộ nuôi sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ mô hình thử nghiệm này, ngành chức năng huyện Vĩnh Linh đang theo dõi, đánh giá kết quả, nếu đạt hiệu quả sẽ tham mưu mở rộng ra những địa phương khác.

Trên cơ sở tận dụng quỹ đất rộng ở khu vực miền núi phía Tây phục vụ phát triển chăn nuôi, tháng 7/2023, UBND huyện Vĩnh Linh tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò sinh sản tại 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Trong tổng kinh phí trên 5,875 tỉ đồng, UBND huyện hỗ trợ 3,455 tỉ đồng; 66 hộ dân tham gia dự án đối ứng 2,421 tỉ đồng.

Tổng số bò đưa vào chăn nuôi gồm 198 bò cái vàng và bò lai sind sinh sản. Về hình thức liên kết, phía 66 hộ dân xây dựng chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh, tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi. Phía công ty liên kết đảm bảo chất lượng con giống đầu vào theo tiêu chuẩn của ngành, bảo hành con giống 30 ngày đối với các bệnh đã tiêm phòng theo quy định; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và cam kết bao tiêu 80% sản phẩm đầu ra với bò giống đủ tiêu chuẩn.

Ngoài những dự án, mô hình chăn nuôi được huyện chỉ đạo triển khai thì ở Vĩnh Linh, với những chính sách tạo điều kiện, trợ giúp về vốn vay ưu đãi, sử dụng quỹ đất, hoàn thiện giấy phép… đã khuyến khích người dân, nhiều công ty, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, đầu tư vào chăn nuôi tập trung, liên kết.

Tiêu biểu như hộ chị Phan Thị Kim Khánh (thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp) chăn nuôi gà liên kết cùng Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star hơn 3 năm nay. Chị Khánh chia sẻ: “Tham gia liên kết chăn nuôi, chủ trang trại chỉ cần đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống chuồng trại, công chăm sóc theo quy chuẩn; còn phía công ty sẽ cung ứng từ con giống, nguồn thức ăn đến chuyển giao kỹ thuật, vật tư chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.

Sau 75 ngày thả nuôi, gà đã đạt trọng lượng 1,7 – 1,9 kg/con, được công ty thu mua toàn bộ, thanh toán chi phí công nuôi theo khối lượng, giá bình quân 6.000 đồng/kg. 3 năm trở lại đây, mỗi năm trang trại chúng tôi thả nuôi, xuất bán liên tục 3 – 4 lứa/năm, trừ các khoản chi phí, mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm”.

Tương tự, trang trại chăn nuôi vịt thịt công nghệ cao quy mô 7.000 con, liên kết với Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam của hộ ông Lê Phước Thu (thôn Hiền Dũng, xã Vĩnh Hòa) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao khi cho lãi ròng khoảng 100 triệu đồng/lứa vịt xuất bán.

Theo ông Thu, so với chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi liên kết, công nghệ cao cần quỹ đất, nguồn vốn tương đối lớn, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ. Ưu điểm là giải quyết hầu hết khó khăn chăn nuôi truyền thống gặp phải và quan trọng hơn nữa được ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Khi giá cả thị trường biến động do dịch bệnh hay nhu cầu cung ứng thì công ty đối tác sẽ có sự hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Nhờ đó, hoạt động chăn nuôi được duy trì theo kế hoạch, sản lượng, doanh thu, thu nhập cơ bản ổn định. Về các mô hình chăn nuôi quy mô lớn của công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, có thể kể đến như: trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà liên kết với Công ty Golden Star, quy mô 7.000 con; trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp tại xã Vĩnh Hà liên kết với Công ty CP, quy mô 6.000 con; tổ hợp tác chăn nuôi công nghệ cao Vinaga với 2 cơ sở có quy mô 55.000 con gà tại xã Vĩnh Hòa; trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kín ở xã Vĩnh Tú, quy mô 2.500 lợn nái, 20.000 lợn thịt…

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục cho biết, tại địa phương, những mô hình chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại, gia trại liên kết chuỗi giá trị ngày càng được nhân rộng. Đến nay, toàn huyện có khoảng 160 trang trại chăn nuôi lợn quy mô 50 con trở lên; trên 30 trang trại chăn nuôi gà, vịt quy mô 5.000 con trở lên; hơn 30 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô 30 con trở lên.

Các trang trại đều áp dụng chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với những công ty bao tiêu sản phẩm. Với hiệu quả theo hướng bền vững của hình thức chăn nuôi này, thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục chỉ đạo các địa phương quan tâm, có thêm cơ chế hỗ trợ, vận động người dân tích cực chuyển đổi, đa dạng hóa mô hình, đối tượng triển vọng để phát triển chăn nuôi.

Từ đó, vừa phát huy thế mạnh của ngành chăn nuôi, tạo sinh kế, tăng giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường, cung cấp sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ.

Nguyên Đồng (Báo Quảng Trị)

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang chủCác danh mụcTài khoản
Tìm kiếm