Làm giàu từ…đá

Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Từ phong trào xuất hiện nhiều tấm gương hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, sống nghĩa tình. Chị Nguyễn Thị Thương, thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh là một trong số đó.

Là người khá nhạy bén trong phát triển kinh tế, trước đây, chị Thương từng làm nhiều nghề như khai thác mỏ cát sỏi; mở cơ sở trộn bê tông tươi phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân địa phương. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, không đủ sức cạnh tranh với những cơ sở khác nên chị tìm hướng đi mới. Năm 2017, khi tham gia chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm do hội LHPN xã tổ chức, được nghe giới thiệu về mô hình sản xuất đá mỹ nghệ tại các xưởng ở huyện Gio Linh nên chị muốn tìm hiểu và ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp cho mình.

Chị Thương chia sẻ: “Cất công tìm hiểu, tôi thấy nguồn nguyên liệu đá tự nhiên trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, nhu cầu của người dân về các loại đá mỹ nghệ lại khá lớn, trong khi đó trên địa bàn huyện Vĩnh Linh chưa có loại hình sản xuất kinh doanh này nên tôi đã bàn bạc với gia đình, quyết định mở cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ”.

Để theo đuổi nghề, chị nghiên cứu học hỏi qua sách vở, mạng internet, đồng thời đi tìm hiểu thực tế tại các làng nghề sản xuất đá mỹ nghệ nổi tiếng ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, TP. Đà Nẵng…

Cuối năm 2018, sau khi nắm vững kỹ thuật, chị quyết định thành lập Công ty TNHH Khánh An Sơn và đầu tư gần 3,2 tỉ đồng mua các loại máy móc hiện đại, xây dựng nhà xưởng sản xuất với công suất 1.500 m3/năm, có đầy đủ hệ thống điện 3 pha, máy cẩu giàn chữ A có sức nâng 15 tấn; lắp đặt hệ thống máy xẻ đá tự động cỡ lớn sử dụng lưỡi cưa kim cương có đường kính từ 1.100 – 1.450 mm.

Tuy vậy, khi bắt tay vào thực tế sản xuất, chị cũng gặp không ít khó khăn vì lao động tại địa phương không có tay nghề để có thể chạm, khắc trên đá. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt của nhiều thương hiệu vốn có tiếng từ lâu trên thị trường.

Để khắc phục khó khăn, vận hành cơ sở hoạt động hiệu quả, chị tìm thuê nhân công từ các tỉnh phía Bắc vào làm việc với mức tiền công khá cao. Cách làm này giúp chị khắc phục được khó khăn trước mắt về lao động có tay nghề, đồng thời cũng là giải pháp để đào tạo, hướng dẫn nghề cho lao động địa phương muốn gắn bó với cơ sở sản xuất của chị.

Để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, chị tổ chức hệ thống thu mua đá mồ côi từ các địa phương trong tỉnh với giá 300 nghìn đồng/m3 . Sản phẩm làm ra hết sức đa dạng, bao gồm đá dùng trong xây dựng các công trình dân dụng, lăng mộ, đền chùa, làm hàng rào, lát vỉa hè, trang trí…

Nhờ đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, đội ngũ thợ lành nghề nên hiện nay các sản phẩm của công ty không chỉ đa dạng về mẫu mã, chủng loại mà còn có tính thẩm mỹ cao, được khách hàng ưa chuộng. Ngoài khách hàng trong tỉnh còn có một lượng khách đến từ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh…

Hiện nay, Công ty TNHH Khánh An Sơn giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức tiền công từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận mỗi năm đạt gần 1,2 tỉ đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, chị Thương còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Sơn Trần Thị Vân cho biết: “Chị Thương là hội viên phụ nữ năng động, sáng tạo trong sản xuất, đồng thời cũng là người sống rất nghĩa tình.

Chị thường xuyên đóng góp các nguồn quỹ tình thương, tặng quà cho học sinh, các gia đình khó khăn trong xã, giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo về con giống, nguồn vốn không lãi suất để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ nhiều khoản kinh phí để nâng cấp, tu bổ một số tuyến đường giao thông ở địa phương”.

Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, chị Thương cho biết: “Tôi dự định sẽ đầu tư thêm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất với mặt hàng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Đồng thời, chú trọng đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh bán hàng điện tử để mở rộng thị trường. Qua đó, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho lao động ở địa phương”.

Mỹ Hằng (Báo Quảng Trị)

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang chủCác danh mụcTài khoản
Tìm kiếm