Anh Nguyễn Văn Phước (bên phải) học tập mô hình trồng quế tại tỉnh Yên Bái

Thu nhập cao nhờ mô hình kinh tế đa cây, đa con

Đã nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Phước (46 tuổi), ở thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ được biết đến là người năng động, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Với sự nỗ lực của bản thân, anh đã tạo dựng được mô hình kinh tế đa cây, đa con, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Sống ở một vùng quê thuần nông nhưng sản xuất lại không được thuận lợi như những địa phương khác bởi đồng ruộng trũng, thường xuyên ngập úng, kể cả mùa hè, chỉ cần một trận mưa to là toàn bộ diện tích trồng lúa ngập trong nước.

Với bản tính cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, Anh Phước đã tìm hiểu, học tập mô hình kinh tế có hiệu quả ở nhiều nơi, năm 2007, anh dành toàn bộ tiền dành dụm được và vay thêm vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thuê phương tiện be bờ toàn bộ diện tích 2 ha ruộng trũng của gia đình, xây dựng mô hình lúa – cá.

Vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm, đê bao còn sơ sài nên mưa lũ đã cuốn trôi gần như hoàn toàn, vốn liếng xem như mất trắng. Không nản chí, sau thất bại, anh Phước tích lũy được thêm kinh nghiệm, tiếp tục đầu tư đắp đê bao cao và chắc chắn hơn, không chỉ trồng lúa, nuôi cá mà trên bờ anh làm thêm chuồng trại để nuôi lợn và bò.

Ngoài ra, anh còn trồng thêm 5 ha cao su. Hiện nay, gia đình anh Phước có 20 con bò thương phẩm và sinh sản; trên 2 ha diện tích mặt nước nuôi cá và 5 ha cao su đã cho thu hoạch. Từ mô hình đa cây, đa con này, mỗi năm mang lại cho anh thu nhập từ 250-300 triệu đồng.

Không dừng lại ở đây, năm 2021 anh Phước tự nguyện theo đoàn công tác của huyện Cam Lộ ra tận huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái để tham quan, tìm hiểu mô hình trồng cây quế.

Thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, điều kiện đất đai, khí hậu có nhiều yếu tố tương đồng với đặc điểm ở địa phương, đầu năm 2022, anh Phước mạnh dạn chuyển 2 ha cây cao su sang trồng cây quế. Nhờ đầu tư chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên sau hơn 6 tháng xuống giống, phần lớn diện tích quế của gia đình anh trồng đều phát triển tốt với tỉ lệ sống 90%.

Anh Phước chia sẻ: “Để có được thành công như ngày hôm nay, trước hết bản thân phải cần cù, chịu khó, không nản chí trước thất bại; thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thông qua sách báo, mạng internet để áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất…

Ngoài ra, phải biết lựa chọn những con nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện địa lý, môi trường tại địa phương. Một kinh nghiệm sản xuất nữa của gia đình là không đầu tư ồ ạt mà làm chắc chắn và bền vững”.

Anh Phước cũng cho biết, hiện tại quỹ đất của gia đình rộng 8 ha, anh đang tìm hiểu để thời gian tới sẽ chuyển một phần diện tích sang trồng cây tràm năm gân và một số cây dược liệu khác.

Anh Vũ (Báo Quảng Trị)

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang chủCác danh mụcTài khoản
Tìm kiếm