Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của hợp tác xã
Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Đặc biệt chuyển đổi số sẽ giúp cho HTX có được mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh linh hoạt hơn, tiết giảm chi phí và tối ưu nguồn lực. Tuy vậy, đối với các HTX trên địa bàn tỉnh, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất chậm bởi nguồn lực tài chính hạn chế và nhiều nguyên nhân khách quan.
Cách đây hai năm, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (HTX Phú Hưng), xã Hải Phú, huyện Hải Lăng được Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị hỗ trợ triển khai ứng dụng phần mềm quản lý và chăm sóc rừng trồng trên điện thoại thông minh.
Chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối internet, Giám đốc HTX Phú Hưng Lê Văn Thể đã có thể cập nhật bản đồ hiện trạng, tọa độ của rừng, thông tin cụ thể vị trí, loại rừng để quản lý dễ dàng. Thành viên được phân công quản lý và bảo vệ rừng báo cáo công việc đang làm không phải bằng lời nói, bằng văn bản giấy… mà qua hình ảnh trực tiếp được chụp, sao lưu và chuyển tải về ban quản trị HTX để báo cáo thông qua phần mềm định vị bằng vệ tinh về địa điểm, hình ảnh và thời điểm tác nghiệp trên rừng bằng hình ảnh.
“Phần mềm cập nhật hiện trạng rừng một cách chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm tra hướng dẫn chủ rừng thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy tại các khu rừng có nguy cơ cháy cao”, Giám đốc HTX Phú Hưng Lê Văn Thể cho biết thêm.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nhiều mô hình ứng dụng quy trình công nghệ cao, internet vạn vật (IoT) vào sản xuất hoa lan đại hồ điệp, hoa lily, dâu tây, cà chua siêu ngọt, dưa lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Hơn 1.000 ha lúa đã ứng dụng máy bay không người lái (Drone) vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, nhiều công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big Data) được ứng dụng trong quản lý điều hành, theo dõi an toàn các hồ chứa nước lớn trên địa bàn, cập nhật dữ liệu diễn biến rừng và theo dõi, giám sát cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Có 80 sản phẩm nông sản của tỉnh đã được niêm yết giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như voso, Postmart…
Tuy vậy vẫn chưa có nhiều HTX ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân do những khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
Liên minh HTX Việt Nam đang xây dựng kế hoạch và lộ trình để thực hiện chương trình trọng tâm về ứng dụng CNTT hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn sản xuất với chuỗi giá trị, hướng đến thực hiện chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp. Trong đó, Quảng Trị là một trong 3 tỉnh được chọn làm thí điểm thực hiện chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp. Đầu tháng 5/2021, Liên minh HTX Việt Nam đã cử đoàn công tác gồm lãnh đạo Ban Hợp tác quốc tế, Trung tâm Thông tin và truyền thông phối hợp với Tổ chức Oxfam, các chuyên gia, nhà khoa học và Liên minh HTX tỉnh khảo sát, đánh giá tình hình, thực trạng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại HTX Phú Hưng và HTX Đông Thanh (TP. Đông Hà).
Đồng thời tiến hành khảo sát tại 50 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu chuyển đổi số để có cơ sở hướng đến thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp. Qua khảo sát thực tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và điều hành HTX chỉ ở mức cơ bản. Tỉ lệ HTX nông nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng CNTT còn thấp, chủ yếu là ứng dụng các công nghệ tự động hóa. Hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các ứng dụng CNTT chưa đa dạng, chủ yếu là sử dụng các trang mạng xã hội.
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động của các HTX, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ mới. Các HTX phải tập trung giải quyết khó khăn về nguồn vốn quản lý, tức là tập trung vào kỹ năng về marketing, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao… theo từng bước để rút kinh nghiệm.
Đặc biệt, chuyển đổi số cần phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực…, tránh “lệch pha” giữa công nghệ và khả năng vận dụng. Đơn cử, chuyển đổi số có thể đơn giản là số hóa, website, thương mại điện tử hoặc đơn thuần là chuyển từ lao động tay chân sang tự động hóa…
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Trị Lê Văn Chiến cho biết: “Với tình hình thực tế ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh còn hạn chế như hiện nay, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo về chuyển đổi số, bảo đảm triển khai hỗ trợ vốn thông qua quỹ hỗ trợ phát triển HTX một cách hiệu quả. Đồng thời có chính sách hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng chuyển đổi số phù hợp, hỗ trợ thành lập HTX cung ứng dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
Lồng ghép các nội dung đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX, trong đó cập nhật, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ số mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về phía HTX cần chủ động tự đổi mới, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị, đặc biệt là người đứng đầu HTX”.
Với vai trò định hướng, dẫn dắt, tư vấn, hỗ trợ, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh cần tăng cường phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên HTX, lồng ghép với các chương trình tập huấn, bồi dưỡng khác. Đồng thời, rà soát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX, từ đó lựa chọn những HTX hoạt động hiệu quả, nắm bắt nhanh về công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết để xây dựng mô hình điểm HTX ứng dụng công nghệ số gắn với sản phẩm chủ lực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Thanh Trúc (Báo Quảng Trị)
Không có bình luận