Tự tin với “Quán ăn sáng Hồng”
Tham gia chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” năm 2021 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, chị Trần Thị Ánh Hồng (sinh năm 1987) hiện đang sống tại thôn Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, đã xuất sắc vượt qua hàng triệu phụ nữ trên cả nước giành giải nhất toàn quốc với ý tưởng mang tên “Quán ăn sáng Hồng”. “Quán ăn sáng Hồng”, thoạt nghe thì chẳng có gì đặc biệt. Nhưng nếu ghé qua đây, bạn sẽ biết thêm nhiều điều thú vị, trong đó có câu chuyện khởi nghiệp của cô chủ quán, vốn là một viên chức nhà nước bỏ việc về quê làm kinh tế.
Quán ăn bình dân
Tuy chỉ có ý tưởng xây dựng quán ăn bình dân nhưng bằng kinh nghiệm của một người từng tốt nghiệp ngành Cao đẳng Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng và có nhiều năm bán quán ăn sáng, chị Hồng đã xây dựng một kế hoạch chi tiết bao gồm từ việc xác định các bước kinh doanh, mô hình bán các món ăn cho đến tiêu chí phục vụ khách hàng.
Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo các yêu cầu của một quán ăn phải có như nguồn gốc, chất lượng, độ tươi ngon của thực phẩm, “Quán ăn sáng Hồng” còn thu hút khách hàng bởi sự đa dạng trong thực đơn. Chỉ với mức giá bình dân từ 10.000 – 20.000 đồng, mọi người có thể thay đổi món ăn tùy theo sở thích mỗi ngày. Đây cũng là điều mà nhiều quán ăn vừa và nhỏ trên địa bàn chưa thể làm được.
Đặc biệt, trong khung giờ cố định từ 4 đến 10 giờ, chị Hồng có thể phục vụ khách trực tiếp hoặc ship tận nhà cho từng nhóm đối tượng khác nhau bao gồm: Đối tượng khách hàng tiềm năng của quán, chủ yếu là lao động chân tay; công nhân tại địa phương, đi làm từ rất sớm; lao động trí thức, người già và trẻ em; bữa ăn phụ cho các nhóm thợ phụ hồ, thợ nề. Đây là điều mà một quán ăn sáng ở vùng nông thôn khó có thể đáp ứng được.
Sau khi hoàn thiện các khâu chuẩn bị, chị Hồng sẽ trực tiếp quảng cáo thông qua các trang mạng xã hội như facebook hay zalo để thu hút sự chú ý của mọi người. Ý tưởng này của chị đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo của cuộc thi. “Tôi dự định sẽ xây dựng quán ăn mang phong cách mở, phục vụ nhạc trong suốt quá trình bán hàng. Chồng tôi cũng là người hay mày mò, sáng tạo nên tôi tin rằng, quán của mình sẽ có được sự độc, lạ trong phong cách”, chị Hồng hào hứng chia sẻ về dự định của mình.
Nhìn người phụ nữ thành công của hiện tại, ít ai biết được rằng chị Hồng đã từng có khoảng thời gian “chật vật” như thế nào lúc mới lập nghiệp. Về quê sau nhiều năm bôn ba đất khách, vốn liếng duy nhất mà vợ chồng chị Hồng có cũng chỉ là quán bán đồ ăn nhỏ do bố mẹ chồng để lại. Anh chị vay mượn khoản tiền mua xe ô tô để anh tiếp tục công việc chạy xe dịch vụ của mình. Còn chị vốn thích nấu nướng nên quyết định duy trì quán bán đồ ăn sáng bình dân với các món như bún, cháo các loại phục vụ người dân địa phương. Trước hết, để nắm bắt khẩu vị của thực khách, chị Hồng dành thời gian đi ăn thử các quán bán đồ ăn sáng tại thị trấn Hồ Xá và các xã lân cận; đồng thời tìm tòi, học hỏi và tự xây dựng công thức nấu cho riêng mình.
Sau đó cùng với chồng sửa sang, trang trí lại quán, mua sắm thêm bàn ghế mới. Tuy nhiên, những ngày đầu kinh doanh không hề thuận lợi như kế hoạch, bởi phần đông người dân thôn quê thường có thói quen ăn sáng tại nhà. Doanh thu từ quán vì thế tương đối thấp, đỉnh điểm có ngày chị chỉ bán được vài ba cân bún. Thế nhưng vợ chồng chị không hề nản chí, luôn động viên nhau cùng cố gắng. “Dù bận rộn với công việc chạy xe nhưng chồng tôi vẫn tranh thủ thời gian giúp vợ việc nhà, dạy bảo con cái. Những bức thư pháp hay mô hình trang trí quán này đều là anh ấy tự tay làm”, chị Hồng chỉ tay về phía tiểu cảnh cối xay nước do anh Tư – chồng chị làm từ ống nhựa, ánh mắt tràn ngập tình yêu.
Để thay đổi thói quen, khẩu vị của khách hàng, chị Hồng chịu khó thay đổi cách chế biến, nấu đa dạng các loại bún, cháo bột và xen kẽ món cháo lòng vào các ngày thứ 3,5,7 trong tuần. Ngày qua ngày, việc kinh doanh dần tốt hơn, quán ăn của chị bắt đầu có lượng khách ổn định. Khách của chị chủ yếu là người nông dân, người lao động nặng phải đi làm từ sáng sớm nên chị cũng tranh thủ dậy từ tờ mờ sáng để sẵn sàng phục vụ khách. Cùng với đó, chị Hồng còn kết hợp việc bán trực tiếp và ship hàng tận nhà. Nhờ đó mà trung bình mỗi tháng, việc kinh doanh quán ăn mang lại cho vợ chồng chị khoản doanh thu trên dưới 30 triệu đồng.
“Ngày đó nếu không quyết định về quê, có lẽ cuộc sống của gia đình tôi đã khác”, chị nhớ lại.
Đường đột về quê
Nói là đường đột bởi quá trình từ khi nảy ra ý tưởng cho đến quyết định bỏ lại tất cả để về quê của vợ chồng chị Hồng chỉ diễn ra trong vòng một đêm, không hề có bất kỳ sự chuẩn bị hay dự tính gì trước đó. Chị bộc bạch: “Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cho đến hiện tại, vợ chồng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, sau khi tốt nghiệp ngành Cao đẳng Quản trị Kinh doanh, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng, chị Hồng chọn vùng đất Tây Nguyên lập nghiệp. Thời điểm bấy giờ, công việc của một viên chức Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông với mức lương hàng tháng tuy không cao nhưng mang lại cho chị cuộc sống tương đối ổn định. Chị gặp anh Nguyễn Văn Tư, người đồng hương Vĩnh Thủy nơi đất khách quê người. Tình yêu nhanh chóng đơm hoa, kết trái. Năm 2012, anh chị kết hôn và một năm sau đó thì hạnh phúc đón mừng cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Những tưởng cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua, thậm chí vợ chồng chị Hồng còn mua được đất, chuẩn bị cất nhà thì đột nhiên cả hai bàn bạc rồi quyết định bỏ lại tất cả, khăn gói về quê.
Ngày biết tin vợ chồng chị về quê, gia đình hai bên không giấu nổi sự ngạc nhiên. Ai cũng thắc mắc vì sao “đang yên đang lành” đột nhiên anh chị lại quyết định đường đột như vậy. Giám đốc cơ quan cũ, đồng nghiệp và mẹ chị hết lời khuyên can, thuyết phục chị Hồng quay lại làm việc nhưng không thay đổi được quyết định của vợ chồng chị. Từ bỏ cuộc sống ổn định, nhàn hạ của một viên chức nhà nước, chị Hồng cùng chồng quyết định lập nghiệp, làm lại từ đầu bằng quán ăn sáng nhỏ do bố mẹ chồng để lại.
“Thảng hoặc, vợ chồng tôi vẫn ngồi nói về những chuyện đã qua nhưng không ai biết rõ nguyên nhân vì sao ngày ấy lại quyết định về quê. Có lẽ vì quê hương luôn có một sức hút lớn khiến chúng tôi muốn trở về”, chị Hồng tâm sự.
Giờ đây, tuy bận rộn với công việc kinh doanh nhưng chị rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) địa phương tổ chức. Được biết, chị hiện là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Đức Xá nhiệm kỳ 2021 – 2025. Đặc biệt, vợ chồng chị Hồng luôn dành thời gian chăm lo, dạy dỗ cậu con trai nên người. Nguyễn Ngọc Duy là một cậu bé thông minh, ngoan ngoãn. Hiện em đang học lớp 3, có thành tích học tập rất tốt, thường xuyên đạt các giải cao trong những cuộc thi do các cấp tổ chức.
Khi được hỏi về bí quyết dạy con, vợ chồng chị cho hay: “Chúng tôi không có bí quyết gì, chỉ xem mình như là người bạn, luôn chia sẻ, đồng hành với con trong học tập và cuộc sống”. 8 năm trôi qua kể từ ngày khăn gói trở về quê hương, cuộc sống của gia đình chị Hồng dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Vợ chồng chị đã cùng nhau nắm tay vượt qua bao thách thức, sóng gió. Chị Hồng nói: “Tôi cho rằng cuộc đời là một sự lựa chọn. Nếu chọn cuộc sống của một viên chức nhàn hạ thì tôi phải chấp nhận mức sống cùng đồng lương eo hẹp. Chọn lập nghiệp ở quê hương tuy bận rộn, vất vả nhưng tôi lại chủ động được thời gian, có thể chăm lo cho chồng con, bố mẹ già. Tôi hy vọng rằng “Quán ăn sáng Hồng” không chỉ thành công về mặt ý tưởng mà khi triển khai ra thực tế sẽ được nhiều người đón nhận”.
Trúc Phương
Không có bình luận