Sức hút từ thị trường lao động Nhật Bản
Thị trường lao động Nhật Bản có sức hút lớn đối với lao động Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Bên cạnh thu nhập ổn định, nhiều công việc để lựa chọn, môi trường làm việc tốt, lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc khi hết thời hạn hợp đồng về nước có cơ hội phát triển sự nghiệp do đã vững tay nghề và có tác phong kỷ luật tốt.
Trong tổng số 89.874 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc 7 tháng đầu năm 2024, có 45.425 người chọn đến Nhật Bản. Điều đó cho thấy thị trường Nhật Bản có sức hút đối với người lao động Việt Nam.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, năm 2023, trong số hơn 2.823 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì có đến 1.500 lao động đi Nhật Bản. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 580 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Dù có việc làm ở địa phương nhưng anh P.C.Q. (sinh năm 1999) ở tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông, quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Liên hệ với chúng tôi qua facebook, anh Q. cho biết, mình sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh để học tập và trải nghiệm công việc trong ngành thực phẩm mà mình yêu thích.
Mới đầu ra nước ngoài, anh Q. khá bỡ ngỡ, gặp một số khó khăn để hòa nhập. Nhờ được doanh nghiệp quan tâm, cung cấp chỗ ở đầy đủ tiện nghi, đảm bảo riêng tư nên anh yên tâm, bắt nhịp với công việc. Qua hơn 2 năm làm việc, anh Q. khẳng định sự lựa chọn sang Nhật Bản của mình là đúng hướng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích cho nghề nghiệp.
Hằng ngày, ngoài thời gian làm việc chính thức, anh Q. tranh thủ tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Anh dự định sau khi hết hợp đồng 3 năm sẽ xin gia hạn thêm 2 năm nữa. Với vốn liếng dành dụm được sau khi về nước, anh sẽ mở dịch vụ kinh doanh thực phẩm. Anh Q. cho biết, đi làm việc cùng đợt với mình qua Nhật Bản có 8 người quê Quảng Trị. Mọi người đều làm chung một doanh nghiệp nên luôn cảm thấy vui vẻ, ấm áp như ở quê nhà.
Thị trường lao động Nhật Bản luôn là mối quan tâm hàng đầu của người Quảng Trị khi chọn đi làm việc ở nước ngoài. Gia đình anh L.Đ.D. (sinh năm 1986) ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, có 4 anh em thì có đến 2 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Anh D. cho biết, hiện Nhật Bản có nhu cầu nhân lực rất lớn đối với nhiều ngành nghề như: sản xuất thực phẩm đồ uống, xây dựng, chế tạo máy, thông tin điện tử, bảo dưỡng ô tô, công nghiệp đóng tàu, thiết bị hàng hải, nông nghiệp, ngư nghiệp và điều dưỡng…
Bản thân anh làm việc trong ngành nông nghiệp đã gần 3 năm, có thu nhập khá tốt, hằng tháng đều đặn gửi tiền về cho vợ, con. Để lo cho tương lai các con sau này, vợ anh D. ở nhà gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình để anh ra nước ngoài làm việc.
“Mỗi người chịu vất vả một chút để sau này có thêm điều kiện làm ăn, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Đó là mục tiêu lớn nhất của vợ chồng tôi”, anh D. chia sẻ.
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), số lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản trong 5 năm trở lại đây tăng nhanh qua từng năm, chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Năm 2023, Việt Nam vượt Trung Quốc, trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản với hơn 518.000 người.
Những yếu tố góp phần thúc đẩy số lượng lao động đến Nhật Bản ngày càng đông là nhờ chính sách về hợp tác lao động giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản; môi trường làm việc an toàn; thu nhập ổn định và người lao động có cơ hội tiếp cận kỹ thuật, công nghệ hiện đại…
Đặc biệt, Nhật Bản đang thiếu hụt lao động trong nước nên cần tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài để bù đắp. Nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, ước tính nước này thiếu hụt 970.000 lao động nước ngoài vào năm 2040.
Hiện Nhật Bản đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt để thu hút nguồn lực quốc tế khi Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang thu hút lao động để củng cố lực lượng lao động bị giảm sút. Do vậy, Nhật Bản tiếp tục có chính sách mở cửa, tạo thuận lợi trong tiếp nhận nguồn nhân lực từ bên ngoài với việc thông qua luật mới về tiếp nhận lao động nước ngoài vào tháng 6 vừa qua.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhân lực lao động Việt Nam có ý thức kỷ luật cao trong công việc nên được nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản mong muốn tiếp nhận. Hiện Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp triển khai Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Dự án này nhằm hỗ trợ người lao động Việt Nam tìm việc phù hợp tại nước ngoài theo đúng nhu cầu; hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận đầy đủ thông tin việc làm trong nước thông qua tuyển dụng từ các doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ tiếp cận tốt hơn với lao động có nhu cầu việc làm.
Hồng Phúc (Báo Quảng Trị)
Không có bình luận