Người dân xã A Ngo áp dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà
Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với chính quyền xã A Ngo, huyện Đakrông thực hiện mô hình nuôi gà giống địa phương sử dụng đệm lót sinh học. Sau một thời gian ngắn triển khai, mô hình bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận, gà sinh trưởng tốt vì phù hợp với điều kiện môi trường, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, tạo động lực để địa phương nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Bom ở thôn A Đeng nuôi gà số lượng ít khoảng dưới 10 con, theo phương thức truyền thống. Gà thả vườn đi ăn tự do nên phát triển chậm, thường bị hao hụt do dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp, chủ yếu làm thực phẩm trong gia đình. Trong chuồng gà và xung quanh vườn nhà chị luôn có mùi hôi rất khó chịu.Vừa qua, gia đình chị Bom được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND xã chọn là 1 trong 5 hộ xây dựng mô hình điểm nuôi gà giống địa phương có sử dụng đệm lót sinh học; được hỗ trợ 100 con giống và thức ăn, cung cấp kiến thức xây dựng chuồng trại chăn nuôi đúng kỹ thuật. Sau 3 tháng chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, đàn gà của gia đình chị phát triển tốt, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg và chuẩn bị xuất chuồng.
Chị Bom nói: “Trong quá trình nuôi gà theo kỹ thuật mới, tôi được cán bộ nông nghiệp tỉnh và xã tận tình hướng dẫn rất kỹ từ cách làm chuồng trại cho đến chăm sóc, cho gà ăn như thế nào để tăng trọng nhanh. Từ khi sử dụng đệm lót sinh học để chăn nuôi, mùi hôi thối của phân gà không còn nữa, chúng tôi không tốn công dọn chuồng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh. Đặc biệt, đàn gà ít xảy ra dịch bệnh, sinh trưởng tốt. Sau lứa gà này, tôi sẽ lựa chọn những con gà khỏe mạnh giữ lại làm giống, ấp nở và duy trì, phát triển mô hình, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.
Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thịt thả vườn cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng an toàn sinh học từ nguồn giống gà Ri ấp nở tại địa phương, quản lý tốt dịch bệnh, sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống người dân gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giúp các hộ làm quen với phương thức chăn nuôi mới, từng bước hình thành và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng cho vùng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với chính quyền xã A Ngo triển khai mô hình nuôi gà giống địa phương sử dụng đệm lót sinh học với quy mô 500 con.Tham gia mô hình có 5 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn gồm các hộ: Hồ Văn Mú, Hồ Văn Lam, Hồ Thị Nát (thôn A Rồng Dưới), Hồ Thị Bom (thôn A Đeng) và Hồ Thị Húi (thôn A La). Đây là những hộ có chuồng trại chăn nuôi tốt, có kinh nghiệm, lao động. Mỗi hộ được hỗ trợ 100 con giống. Yêu cầu mô hình là chuồng trại khoảng trên 20 m2 /mô hình; vườn quây thả lưới khoảng trên 100 m2 ; trọng lượng ở 16 tuần tuổi đạt từ 1,4 kg trở lên, tỉ lệ nuôi sống đến xuất chuồng đạt trên 90%.Trung tâm Khuyến nông tỉnh cam kết đối ứng giống, vật tư và áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật của mô hình. Giống hỗ trợ cho các hộ là gà Ri và Cu Roa. Sau khi ấp nở, gà giống được úm 21 ngày tuổi, tiêm phòng đầy đủ vắc xin, trung tâm tiến hành bàn giao cho người dân. Các hộ được lựa chọn một số gà thịt sau nuôi để xuất bán, số gà còn lại để đẻ trứng và lấy giống tiếp tục ấp nở, nhân giống để chăn nuôi.Kết quả sau 3 tháng thực hiện mô hình, gà phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt 97%, trọng lượng trung bình 1 -1,2 kg/con. Giống gà này rất phù hợp với điều kiện môi trường ở A Ngo vì dễ nuôi, chống chọi được với dịch bệnh.
Anh Hồ Văn Tập, cán bộ nông nghiệp xã A Ngo cho biết: “Sau khi có chủ trương xây dựng mô hình nuôi gà giống địa phương sử dụng đệm lót sinh học, UBND xã quan tâm chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên về tận hộ gia đình tuyên truyền, vận động tham gia triển khai mô hình. Thấy được mục đích, ý nghĩa của nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, 5 hộ gia đình ở xã đã nhiệt tình tham gia. Các hộ nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi gà rất nhanh và có trách nhiệm cao trong thực hiện mô hình. Nhờ vậy, gà mau lớn, không bị dịch bệnh. Địa phương rất mong Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhân rộng mô hình chăn nuôi gà cho các hộ khó khăn khác, tạo điều kiện để người dân thoát nghèo bền vững”.Trên cơ sở kết quả đạt được, hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi hướng dẫn, lựa chọn con giống tốt tiếp tục gây giống để nhân rộng. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: “Gà có thịt rất thơm, ngon, hiện tiêu thụ rất tốt, bình quân có giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.Thời gian tới, trung tâm tiếp tục hỗ trợ duy trì và nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã. Ngoài mô hình nói trên, tháng 11/2021 trung tâm triển khai mô hình chuối tiêu hồng với quy mô 1 ha tại A Ngo và các xã dọc đường 14 thuộc huyện Đakrông. Sau khi có kết quả tốt, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình trồng chuối tiêu hồng ở tất cả các xã; đồng thời, hỗ trợ khôi phục giống lúa nếp than, góp phần tạo ra các sản phẩm đặc trưng để xây dựng sản phẩm OCOP của huyện”.
Kô Kăn Sương
Không có bình luận