Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Đakrông đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Qua đó, tạo nguồn lực, động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế đối với miền núi nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.

Đakrông là huyện miền núi, biên giới với 13 đơn vị hành chính, trong đó có 11 xã, thị trấn khu vực III và 1 xã khu vực II thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Dân số toàn huyện hơn 12.000 hộ với trên 46.800 nhân khẩu.

Trong đó, hộ đồng bào DTTS chiếm 78,6%, chủ yếu là người Vân Kiều, Pa Kô. Để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào DTTS, huyện Đakrông đã thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất; quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, trong giai đoạn 2019 – 2024, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn huyện là hơn 1.555 tỉ đồng, chủ yếu tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học, trạm y tế, các dự án đào tạo năng lực cho cán bộ và người dân, thông qua đó đã thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Cụ thể, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư xây dựng mới 1 công trình kè chống sạt lở bờ sông và sửa chữa, nâng cấp 15 danh mục công trình.

Đến nay trên địa bàn huyện có 57 hệ thống công trình thuỷ lợi tưới chủ động cho 490 ha diện tích đất lúa 2 vụ; tỉ lệ kiên cố hóa tăng từ 95,3% năm 2019 lên 96,1% năm 2024, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Đã có 12 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thủy lợi.

Các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân định kỳ hằng năm được huyện nâng cấp và sửa chữa. Toàn huyện hiện có 68 công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng và bàn giao cho UBND xã, ban quản lý thôn quản lý khai thác sử dụng. Tỉ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh nông thôn tăng từ 84,04% năm 2019 lên 88,01% năm 2024.

Huyện Đakrông đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các địa phương xây dựng, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng và phù hợp với tập quán sản xuất của người dân; thực hiện thâm canh tăng vụ, luân canh cây trồng, đưa giống cây trồng mới, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.

Công tác trồng, chăm sóc, giao khoán, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được chú trọng; trong giai đoạn đã trồng được 5.832 ha rừng tập trung, 250 vạn cây phân tán, đưa độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 65,59%.

Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép các chương trình MTQG gồm: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các dự án, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi…

Giai đoạn 2019 – 2024 đã hỗ trợ phát triển sản xuất hơn 40,2 tỉ đồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 243,1 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 176 công trình; xây dựng hơn 900 căn nhà cho các đối tượng; tổ chức 19 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản, người có uy tín với khoảng 800 lượt người tham gia. Đã giải quyết việc làm cho 5.278 lao động, trong đó hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài 209 người.

Tổ chức đào tạo nghề cho 1.766 lao động nông thôn, trong đó dạy nghề nông nghiệp 1.427 lao động, dạy nghề phi nông nghiệp 349 lao động; đến cuối năm 2023 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,5%, trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 34,73%.

Đã hỗ trợ cho 65 hộ thiếu đất ở, 469 hộ làm nhà ở, 715 hộ thiếu nước sinh hoạt phân tán, 126 hộ chuyển đổi nghề do thiếu đất sản xuất, nâng cấp, sửa chữa 7 công trình nước sinh hoạt tập trung. Thực hiện bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ dân cư xã Tà Rụt với 51 hộ và bố trí định canh, định cư tập trung cho 3 xã. Có hơn 12.900 lượt hộ vay được tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số vốn giải ngân hơn 612 tỉ đồng.

Theo đánh giá, hiệu quả từ các chương trình, dự án hỗ trợ trong thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực, nhiều mô hình kinh tế được hình thành và nhân rộng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thu nhập bình quân đạt 32,8 triệu đồng/người/ năm vào năm 2023; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm trên 5% theo chuẩn nghèo đa chiều. Hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng, giao thông nông thôn được kiên cố hóa. 100% đường xã và đường tới trung tâm xã, đường trục thôn, bản, đường liên thôn được cứng hóa. Tỉ lệ xã, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%; tỉ lệ hộ sử dụng điện lưới đạt 99,35%.

Ông Lê Đại Lợi cho biết thêm, để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình, MTQG; tập trung xây dựng kế hoạch, định hướng đầu tư các mô hình sản xuất, lựa chọn cây, con giống phù hợp hỗ trợ người dân xây dựng mô hình kinh tế gắn với thị trường tiêu thụ.

Đồng thời chú trọng đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự lực, vươn lên thoát nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Từ đó cải thiện và nâng cao sinh kế của người dân; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với vùng phát triển trong tỉnh.

Lê An (Báo Quảng Trị)

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang chủCác danh mụcTài khoản
Tìm kiếm