Truy xuất nguồn gốc góp phần nâng tầm giá trị nông sản
Hiện nay, trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng. Nông sản gắn tem truy xuất nguồn gốc không những giúp minh bạch “lý lịch” dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn, có địa chỉ tin cậy, giúp nông dân khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường.
Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Hướng Hóa vươn xa – Ảnh: L.A
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận, nhận thức tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, thời gian qua, huyện Hướng Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; vận động các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ cho các đơn vị, địa phương quản lý và các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh có nhu cầu xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn huyện. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho 18 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện, gồm 5 sản phẩm 4 sao, 13 sản phẩm 3 sao và nhiều sản phẩm đặc trưng.
“Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã giúp cơ quan quản lý và người tiêu dùng truy cập thông tin về sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác. Từ đó góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện vươn xa”, ông Thuận khẳng định.
Thực hiện Kế hoạch số 5883/KHUBND ngày 21/12/2020 về thực hiện đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản việc ghi chép hồ sơ truy xuất nguồn gốc; thiết lập và giám sát mã số vùng trồng; kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Lồng ghép hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc trong thực hiện các mô hình khuyến nông như mô hình sản xuất dưa hấu sử dụng bạt phủ nilon đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên đất lúa chuyển đổi vụ hè thu với diện tích 10 ha; mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 342 con.
Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng đến thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ qua các nước châu Âu, ngành nông nghiệp đã xây dựng quy trình xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu. Phổ biến các quy định về truy xuất nguồn gốc lâm sản đến các chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất lâm nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân đối với việc truy xuất nguồn gốc lâm sản trong sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc thông tin, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 59/259 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đạt tỉ lệ 22,7%.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hầu hết các nhà máy đang hoạt động đều thu mua nguyên liệu có nguồn gốc từ rừng trồng sản xuất được khai thác trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT), truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 27 MSVT tại các địa phương với quy mô gần 2.240 ha; trong đó có 11 MSVT phục vụ xuất khẩu và 16 MSVT nội địa. Ngoài ra, còn có 3 MSVT trên cây chanh leo và 1 mã số cơ sở đóng gói đang được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đàm phán với nước nhập khẩu để hoàn thành các bước chờ cấp mã số.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 6 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản tại các xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 mỗi cơ sở 16.000 tem QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 3 cơ sở thiết lập hồ sơ thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGap hoặc tương đương tại xã xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn 58 sản phẩm OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc điện tử đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Theo ông Quốc, với xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn muốn biết nhiều hơn về quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến bày bán trên kệ, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm.
Do vậy việc truy xuất nguồn gốc dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích thực tế mà nó mang lại. Có thể kể đến như giúp minh bạch hóa thông tin trong sản xuất, kinh doanh nông sản; kiểm soát được chất lượng sản phẩm; là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng nông sản an toàn, có địa chỉ tin cậy.
Đây cũng là giải pháp nâng cao giá trị, thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số. Giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý về nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Góp phần thiết thực cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.
Lê An (Báo Quảng Trị)
Không có bình luận