Kỳ vọng mô hình nuôi ong ruồi lấy mật ở Mò Ó
Với thu nhập 120 triệu đồng/năm từ nuôi ong ruồi lấy mật, gia đình anh chị Phan Văn Lực – Nguyễn Thị Thảo ở thôn Phú Thành, xã Mò Ó, huyện Đakrông đã góp phần cùng người dân địa phương phát triển các mô hình kinh tế mới. Từ hiệu quả bước đầu nuôi ong tự nhiên, gia đình anh chị đang có hướng nhân rộng mô hình và sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm sản xuất của mình cho những ai có nhu cầu.
Trước đây, vợ chồng anh Lực chăn nuôi lợn nhưng dịch tả lợn Châu Phi làm họ bị thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Khó khăn về kinh tế nên anh chị tạm dừng chăn nuôi. Trong một lần thấy ong ruồi làm tổ ở cột điện, anh Lực nảy sinh ý tưởng đưa ong tự nhiên về nuôi trong vườn nhà. Thế rồi, tranh thủ những ngày nghỉ Thứ 7, Chủ nhật, anh Lực đi tìm bắt ong ở các trụ điện, cành cây trong rừng, mua tổ ong đóng sẵn về nuôi.
Địa bàn Mò Ó xung quanh là đồi núi, hệ thống sông, suối khá nhiều, các loại cây, hoa trái tự nhiên khá phong phú nên ong đi tìm mật thuận lợi.
Thời gian đầu, gia đình anh nuôi thử nghiệm chỉ vài đàn ong. Vừa nuôi, anh chị vừa lên internet học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong. Chỉ sau 2 tháng, những đàn ong nuôi thích nghi với môi trường, phát triển tốt, cho nhiều mật.
Vì thế, anh chị quyết định mở rộng mô hình. Để có ong chúa tốt cho mỗi đàn, anh Lực tìm hiểu kỹ thuật và tự tạo cách nhân giống. Thường thì trong 1 năm, nuôi ong lấy mật được khoảng 8 tháng từ mùa xuân đến mùa thu.
Hiện trong vườn nhà anh Lực có 30 tổ ong, bình quân mỗi tổ cho 2 lít mật/tháng, giá bán mỗi lít mật hiện nay là 500 nghìn đồng nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
Anh Lực chia sẻ: “Mật ong, đặc biệt là ong nuôi có nguồn gốc tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cao và được dùng làm dược liệu. Quá trình nuôi ong, chúng tôi không cho ong ăn thêm bất kỳ loại thức ăn gì ngoài việc chúng tự đi lấy mật hoa tự nhiên.
Chất lượng mật ong ruồi cao hơn hẳn các loại ong khác, do vậy khách hàng rất ưa chuộng. Ban đầu một số tổ nuôi ong tôi đặt mua, sau đó tôi tìm hiểu, tự kiếm vật liệu để đóng. Kế hoạch trong năm nay, sau những tháng thu hoạch mật chín vụ, qua mùa đông, chúng tôi sẽ nhân đàn từ 30 tổ lên 50 tổ”.
Để hướng tới xây dựng thương hiệu mật ong của gia đình, vợ chồng anh Lực đã đóng chai, in nhãn mác là “Mật ong ruồi Trà Phan – núi rừng Đakrông”. Khách hàng chủ yếu trong tỉnh và một số khách ở các tỉnh phía Nam. Mô hình nuôi ong tự nhiên lấy mật của anh được chính quyền địa phương đánh giá cao, khuyến khích nhân rộng.
Anh Lực cho biết thêm: “Nuôi ong tự nhiên không khó, không cần nhiều vốn, chỉ cần vườn nhà rộng, thoáng đãng, nắm vững kỹ thuật, tập tính con ong; quá trình nuôi phải kiểm tra, vệ sinh tổ ong sạch sẽ, theo dõi tình trạng ong, nhất là ong chúa để giúp cho đàn ong sinh trưởng nhanh, ít dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng mật.
Hiện nay, ở địa phương có khoảng 10 hộ gia đình nuôi ong nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ nuôi từ 2-3 tổ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Để khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng, vườn rừng, các loại hoa tự nhiên dồi dào, tôi đang xây dựng đề án thành lập tổ hợp tác nuôi ong thiên nhiên Mò Ó trình UBND xã, huyện xem xét, phê duyệt.
Qua đó, cùng các hộ gia đình liên kết nuôi ong lấy mật hiệu quả hơn, góp phần giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng nhau phát triển kinh tế địa phương”.
Kăn Sương (Báo Quảng Trị)
Không có bình luận