Đồng hành với doanh nghiệp, người dân phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Với tinh thần đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh và biến động bất lợi của thị trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai mạnh mẽ các giải pháp về tín dụng, lãi suất nhằm tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 tổ chức tín dụng, trong đó có 11 chi nhánh cấp 1; 10 chi nhánh cấp 2; 11 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; 51 phòng giao dịch của ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội trải đều ở các huyện, thị xã, thành phố và các vùng kinh tế trọng điểm.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh đã triển khai, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Do đó, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 và nhiều biến động khác nhưng huy động vốn trên địa bàn đến ngày 31/12/2022 đạt 31.422 tỉ đồng, tăng 1.279 tỉ đồng với tỉ lệ tăng 4,24% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đến ngày 31/12/2022 đạt 50.733 tỉ đồng, tăng 6.993 tỉ đồng, với tỉ lệ tăng 15,99% so với cuối năm 2021.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội như triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà trước hết là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/ NĐ-CP của Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đến ngày 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn là 11.097 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 21,87%/tổng dư nợ và tăng 12,53% so cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 4.777 tỉ đồng; dư nợ cho vay trung, dài hạn 6.320 tỉ đồng. Số khách hàng còn dư nợ 50.700 khách hàng, trong đó có 50.430 cá nhân, hộ gia đình và 270 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung triển khai nhiều chính sách, chương trình tín dụng đặc thù, hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững ngành nông nghiệp như: chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ…
Tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả. Tổng dư nợ cho vay đến ngày 31/12/2022 là 3.882 tỉ đồng, tăng 513 tỉ đồng với tỉ lệ tăng 15,23% so cuối năm 2021. Đối với các nhiệm vụ tín dụng chính sách tại chương trình phục hồi theo Nghị quyết 43/2022/QH15, đến ngày 31/12/2022, dư nợ cho vay 5/5 chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 290,23 tỉ đồng (kế hoạch 312,51 tỉ đồng, hoàn thành 92,87% kế hoạch).
Đặc biệt, ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31; ngày 16/8/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất và chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện. Tổ chức rà soát các khoản nợ thuộc các đối tượng khách hàng được hỗ trợ lãi suất. Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, truyền thông qua mạng xã hội, cán bộ tín dụng các ngân hàng thương mại rà soát và thông báo cho khách hàng thuộc đối tượng do mình quản lý.
Kết quả đến cuối tháng 12/2022, dư nợ cho vay các doanh nghiệp là 13.604 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 26,81%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, trong đó đã tham gia đầu tư các dự án năng lượng động lực của tỉnh như: cho vay đầu tư điện gió 4 khách hàng, dư nợ 1.710 tỉ đồng; cho vay đầu tư thủy điện 10 khách hàng, dư nợ 1.292 tỉ đồng. Mặt khác, đã đẩy mạnh công tác quản lý ngoại tệ và hỗ trợ tích cực các dự án đầu tư trên địa bàn vay ngoại tệ.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng khẳng định: “Năm 2022 là một năm hoạt động nhiều khó khăn, thử thách đối với hệ thống ngân hàng của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo, điều hành các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của trung ương và địa phương để tham gia thực hiện tốt đồng thời 2 nhiệm vụ: vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó sẽ triển khai thực hiện tốt các gói tín dụng tiêu dùng nhằm hỗ trợ cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen, nhất là ở khu vực nông thôn.
Tổ chức thực hiện tốt đề án thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, góp phần phục hồi, thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương ngày càng phát triển”.
Hà Trang (Báo Quảng Trị)
Không có bình luận