Nhịp cầu dẫn vốn chính sách
Không còn quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu, nhiều người dân trên địa bàn đã có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ chính sách tín dụng ưu đãi. Góp phần mang lại niềm vui cho bà con là sự cống hiến thầm lặng của cán bộ các hội, đoàn thể trong tỉnh. Cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), họ đã cần mẫn làm nhịp cầu dẫn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Vào cuối mỗi năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức đánh giá lại công tác hội và phong trào phụ nữ trên địa bàn, trong đó chú trọng đến số liệu hội viên phụ nữ thoát nghèo. Điều đáng mừng là thời gian qua, số lượng phụ nữ trong tỉnh thoát nghèo ngày càng tăng.
Dấu mốc làm nên sự đổi thay đó là khi phụ nữ tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐCP (Nghị định 78) của Chính phủ.
Nhận thức rõ điều đó, nhiều năm qua, hội LHPN các cấp luôn nỗ lực làm nhịp cầu dẫn vốn chính sách đến với hội viên. Tính đến nay, dư nợ cho vay tín chấp do Hội LHPN tỉnh quản lý là 1.530,3 tỉ đồng.
Nhờ đồng vốn vay, nhiều hội viên phụ nữ có cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế; xây mới, sửa sang nhà cửa; tạo điều kiện cho con em học hành…
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà cho biết: “Trước đây, một số chị em rất ngại vay vốn vì sợ lãi suất cao, không trả nổi. Hiểu điều đó, chúng tôi đã giới thiệu, hướng dẫn chị em đến với chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78 của Chính phủ.
Cùng với đó, cán bộ hội luôn nỗ lực vào cuộc, giúp hội viên sử dụng có hiệu quả đồng vốn vay. Nhờ thế mà nỗi lo của chị em đã vơi đi rất nhiều”.
Cũng như một bộ phận hội viên phụ nữ, trước đây, nhiều nông dân trên địa bàn rất ngại vay vốn. Thực tế ấy đã hoàn toàn thay đổi. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết, trong 20 năm qua, có hàng ngàn hội viên nông dân đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ.
Từ đây, nhiều nông dân sớm thoát nghèo, trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Tín hiệu đáng mừng ấy đã thôi thúc cán bộ hội tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH làm nhịp cầu dẫn vốn chính sách về cho nông dân.
Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng CSXH tỉnh xây dựng 70 – 80 mô hình điểm với số vốn từ 6 – 7 tỉ đồng để tạo điều kiện, động lực cho hội viên nông dân. “Khi về với nông dân, chính sách tín dụng ưu đãi đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhờ nguồn vốn này mà hội viên của chúng tôi có điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới… Nhiều hộ ăn nên, làm ra”, ông Bến nói.
Đến nay, 20 năm đã trôi qua kể từ ngày chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78 của Chính phủ về với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, điều đáng ghi nhận là nhịp cầu dẫn vốn chính sách giữa các hội, đoàn thể của tỉnh với Ngân hàng CSXH luôn bền chặt.
Từ những ngày đầu, khi chính sách của Chính phủ được triển khai, bốn tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn gồm: Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nhận ủy thác một số nội dung công việc triển khai tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH tỉnh. Các bên nhanh chóng ký kết văn bản thỏa thuận, văn bản liên tịch để việc phối hợp diễn ra nhịp nhàng, hiệu quả.
Nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thời gian qua, cán bộ các hội, đoàn thể trên địa bàn đã nỗ lực phát huy một cách tối đa hiệu quả công tác quản lý nguồn vốn chính sách.
Cùng với Ngân hàng CSXH, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân bước qua sự ngại ngần, đặt niềm tin vào chính sách tín dụng ưu đãi.
Đồng thời, các hội, đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bình xét cho vay tại cơ sở; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn người vay sử dụng đồng vốn có hiệu quả…
Hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn được các hội, đoàn thể phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh bám sát. Các trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong vay vốn, sử dụng đồng vốn được hỗ trợ kịp thời.
Theo ghi nhận, thời gian qua, cùng với Ngân hàng CSXH tỉnh, các hội, đoàn thể trên địa bàn đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi, kịp thời.
Đến nay, dư nợ qua các hội, đoàn thể nhận ủy thác đạt 3.699,3 tỉ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ qua Hội LHPN tỉnh quản lý là 1.530,3 tỉ đồng; qua Hội Nông dân tỉnh là 1.128,4 tỉ đồng
Qua Hội Cựu chiến binh tỉnh là 637,6 tỉ đồng và dư nợ qua Tỉnh đoàn quản lý là 403 tỉ đồng. Với sự nỗ lực vào cuộc của các hội, đoàn thể trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Tình trạng nợ quá hạn được hạn chế đáng kể.
Tỉ lệ nợ quá hạn vốn vay ưu đãi trong hội viên, đoàn viên, thanh niên các hội, đoàn thể trên địa bàn chỉ chiếm 0,03%/tổng dư nợ ủy thác.
Điều đáng mừng là người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, trong 20 năm qua, có hơn 66.500 lượt hộ dân vay vốn chính sách trên địa bàn đã vượt qua ngưỡng nghèo. Cũng nhờ nguồn vốn, gần 87.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để trang trải chi phí học, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến.
Nhiều hộ dân đã vượt qua hoạn nạn; có điều kiện làm mới, sửa chữa nhà cửa; xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế… Không dừng lại ở đó, chính sách tín dụng ưu đãi còn mang lại giá trị về mặt tinh thần.
Chị Hồ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt cho biết: “Trước đây, trong gia đình, tiếng nói của phần lớn phụ nữ vùng cao rất yếu ớt. Nhờ cán bộ hội, đoàn thể, ngân hàng CSXH tuyên truyền, vận động, chị em đã mạnh dạn vay vốn để làm kinh tế, mang lại hiệu quả cao. Làm ra đồng tiền và được khai sáng, tiếng nói của chị em giờ có trọng lượng hơn”.
Những tín hiệu đáng mừng kể trên cũng chính là động lực to lớn thôi thúc các hội, đoàn thể trên địa bàn tiếp tục miệt mài làm nhịp cầu dẫn vốn chính sách.
Ai cũng vui và thêm nêu cao quyết tâm khi thấy từ ngày làm nhịp cầu dẫn vốn chính sách, các hội, đoàn thể cũng trở nên vững mạnh hơn.
Điều đó cho thấy chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 mang lại lợi ích cho nhiều phía.
Tây Long
Không có bình luận