Lập thân, lập nghiệp từ nghề đã học
Quãng 10 năm trở lại đây, nhiều người trẻ đã lựa chọn cho mình hướng đi học nghề thay vì học đại học như trước. Trước nhu cầu tất yếu của xã hội, đa số những người học nghề sau khi ra trường đều tìm được việc làm phù hợp. Trong đó, nhiều người mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng trang trại, cơ sở sản xuất và có thu nhập ổn định.
Từ học nghề…
Từ lời giới thiệu của các giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, chúng tôi tìm về trang trại nuôi gà gia công của anh Bùi Thanh Thương (sinh năm 1991) ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Giữa trảng cát mênh mông, trang trại của anh Thương là minh chứng cho sự chăm chỉ, cần cù vượt khó, xây dựng cuộc sống, lập thân, lập nghiệp nơi vùng đất cằn khô.
“Năm 2009, học xong lớp 12, tôi đi học ngành kế toán, Trường Đại học Lạc Hồng (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). 3 năm sau, tôi ra trường rồi làm kế toán cho một doanh nghiệp. Đến năm 2015, tôi bỏ việc trở về quê đăng ký đi học nghề tại Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị)”, anh Thương mở đầu câu chuyện.
“Đã đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc lặn lội vào tận Bình Dương học ngành kế toán – một ngành “hot” lúc bấy giờ và đang có công việc ổn định tại một doanh nghiệp, có thể nói đó là bước khởi nghiệp ban đầu khá thuận lợi đối với nhiều người trẻ, vậy tại sao anh lại chấp nhận về quê để học nghề chăn nuôi – thú y?”, tôi thắc mắc.
Anh Thương thật thà kể: “Thực tình mà nói, trong thời gian làm kế toán cho doanh nghiệp, tôi nhận ra đây không phải là công việc mình yêu thích. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định trở về quê học nghề chăn nuôi – thú y, là đam mê của mình. Mặc dù cực nhọc, vất vả nhưng được làm điều mình thích thì vẫn ý nghĩa hơn”.
Từ quyết định đó, năm 2016, anh Thương đi học nghề chăn nuôi – thú y tại Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị (cũ). Lúc bấy giờ, nhà trường có chính sách liên kết với một trường dạy nghề ở Thái Lan. Những học sinh có học lực, năng khiếu vượt trội ở trường sẽ được chọn đưa sang Thái Lan du học.
Sau 1 năm học tại trường, anh Thương và một bạn nữa được chọn đưa sang Trường Cao đẳng Kỹ thuật Buriram, Thái Lan để học. Anh được đào tạo nghề 2 năm và ở lại làm 1 năm trên đất Thái.
Cũng như anh Thương, anh Lê Thiên Vương (sinh năm 1991) ở thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh đã lựa chọn đi học nghề để lập thân, lập nghiệp. Sau khi học hết lớp 9, anh Vương mang theo hành lý đi vào miền Nam làm công nhân cho một trang trại chăn nuôi lợn tại tỉnh Bình Phước. Năm 2014, anh Vương quyết định trở về quê đi học nghề.
“Qua quá trình làm việc tại trang trại, tôi cảm thấy nghề chăn nuôi khá phù hợp với mình. 3 năm làm việc tại đây cũng giúp tôi tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định. Vì vậy, tôi đã chọn đi học nghề chăn nuôi – thú y tại Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị”, anh Vương nhớ lại.
Điều thuận lợi đối với anh Vương và các sinh viên, học sinh theo học nghề chăn nuôi – thú y tại Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị là các giảng viên thường xuyên liên kết, phối hợp với các trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện cho học sinh học thực hành.
Trong môi trường thực tế, anh Vương và các bạn có điều kiện vừa học vừa làm nên kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm được nắm bắt nhanh, vững.
…Đến làm chủ trang trại
Năm 2019, anh Vương huy động nguồn vốn để xây dựng trang trại chăn nuôi gà gia công với diện tích 400 m2 trên cánh rừng cao su của gia đình. Anh nuôi gà gia công cho Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi GOLDEN STAR.
Phía công ty cung cấp con giống, thức ăn, các loại thuốc, vắc xin, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Anh Vương tập trung chăn nuôi, đảm bảo cho đàn gà sinh trưởng khỏe mạnh. Quá trình nuôi, anh đã mở rộng trang trại lên 700 m2.
Nhờ có kiến thức, kỹ năng trong chăn nuôi nên thời gian qua, trang trại của anh Vương luôn hoạt động ổn định. Mỗi khi đàn gà có dấu hiệu mắc bệnh, anh Vương nhanh chóng xử lý, kiểm soát dịch bệnh.
Hiện nay, trang trại của anh nuôi mỗi năm 3 lứa gà ri vàng rơm, một lứa 7.000 con. Trung bình mỗi lứa nuôi, anh lãi khoảng 60 triệu đồng. “Tôi đang dự tính xây dựng thêm một mô hình trồng hoa trên diện tích rừng cao su của gia đình nhằm tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống”, anh Vương chia sẻ về dự định trong tương lai của mình.
Giữa năm 2019, anh Bùi Thanh Thương từ Thái Lan trở về Việt Nam. Những ngày đầu, anh tìm thị trường cho một doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Khi đã làm quen, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh vay vốn từ ngân hàng để xây dựng trang trại chăn nuôi gà gia công trên trảng cát gần nhà với tổng kinh phí khoảng 820 triệu đồng. Trên diện tích 700 m2 , anh xây dựng hệ thống trại bán chăn thả ấm về mùa đông, thoáng mát trong mùa hè, đảm bảo vệ sinh với đệm lót sinh học.
“Mỗi năm tôi nuôi 3 – 4 lứa gà ri vàng rơm, mỗi lứa từ 6.500 – 7.000 con. Tôi nuôi gia công cho Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi GOLDEN STAR nên phía công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc. Tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, công nuôi và kỹ thuật. Trung bình mỗi lứa, tôi lãi khoảng 60 triệu đồng.
Nhờ nắm vững kiến thức, kỹ năng từ trong quá trình học tập tại trường và thời gian dài làm việc ngoài thực tế nên tôi luôn chủ động trong việc kiểm tra, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, kịp thời xử lý nếu có sự cố, dịch bệnh xảy ra. Nhờ làm tốt khâu phòng bệnh nên đến nay, tại trang trại chưa xảy ra bệnh dịch nào trên đàn gà”, anh Thương cho hay.
Không chỉ nuôi gà gia công, trong năm 2019, anh Thương thuê lại trang trại của một người dân trong thôn để chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Lúc cao điểm, trại lợn của anh có 10 lợn nái, 50 lợn thịt. Hiện nay, do giá lợn giảm sâu nên anh đang nuôi cầm chừng 6 lợn nái, 14 lợn thịt, chờ lúc thích hợp để tái đàn.
“Có khi nào anh nghĩ, nhờ đi học nghề mà giờ anh đã làm chủ chứ không phải làm thuê không?”, tôi ướm hỏi. Anh Thương không do dự mà trả lời ngay: “Tôi cảm ơn các thầy, cô giáo và ban giám hiệu Trường Trung cấp Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị lúc bấy giờ. Vì trong quá trình học, chúng tôi được tạo điều kiện vừa học, vừa làm việc tại các trang trại tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Thời gian đó, sau khi học thực hành xong, tôi và 1 bạn nữa được giữ lại làm việc tại một trang trại chăn nuôi của người dân ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh và chúng tôi được trả tiền công khi đang còn là sinh viên. Nhờ phương pháp dạy học như vậy nên sau khi ra trường, chúng tôi có thể làm việc được ngay”.
Anh Vương và anh Thương là 2 cá nhân điển hình trong rất nhiều người trẻ đã và đang mạnh dạn bước đi trên con đường lập thân, lập nghiệp. Họ lựa chọn học nghề vì đam mê, sở thích và nay đã làm chủ trang trại của riêng mình.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn, trở lực phía trước nhưng tinh thần vượt khó, lập nghiệp từ nghề đã học đã truyền cảm hứng cho nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn noi theo, làm theo. Từ đó, dấy lên phong trào lập thân, lập nghiệp, xây dựng cuộc sống trên những miền quê giàu tiềm năng.
Trần Tuyền (Báo Quảng Trị)
Không có bình luận