Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai thời gian qua trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình; góp phần phát triển KT-XH bền vững và môi trường khu vực nông thôn.

Để thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua 2 giai đoạn: Giai đoạn I (2011-2015, kéo dài đến 2017) thực hiện theo Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012; Giai đoạn II (2016-2020, kéo dài đến 6/2022), thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/1/2017.

Có thể khẳng định, chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực vào hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM được Đảng, Nhà nước tham khảo, sử dụng để ban hành các chủ trương, nghị quyết quan trọng trong phát triển “tam nông”. Đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng NTM; thúc đẩy tái cơ cấu và tăng trưởng ngành nông nghiệp; đóng góp vào đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho các đối tượng tham gia xây dựng NTM…

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH&CN trên các lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Trong giai đoạn 2016-2022, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 38 đề tài và dự án KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM với tổng kinh phí 19,1 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng hiệu quả KH&CN trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên; ứng dụng máy cấy lúa tam giác đều để giúp cây lúa tận dụng triệt để ánh sáng, góp phần tăng năng suất và chất lượng…

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích trên 800 ha, khẳng định được hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường; hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất lúa đại trà. Ứng dụng công nghệ máy bay không người lái cho việc chăm sóc lúa ước trên 3.000 ha. Đồng thời đã ứng dụng có hiệu quả tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò lai Zebu, bò chuyên thịt BBB, Droughmaster…, trồng cỏ nuôi bò thâm canh, nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi giá trị tại vùng cát, vịt biển. Phát triển mạnh hình thức chăn nuôi thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp theo hướng gia trại, trang trại, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, rút ngắn thời gian chu chuyển đàn từ 5-6 tháng xuống còn 3-3,5 tháng/lứa, tăng trọng lượng thịt hơi xuất chuồng.

Đối với lĩnh vực lâm, ngư nghiệp đã triển khai chọn các loại giống chất lượng cao, có năng suất cao và cây giống có nguồn gốc trong trồng rừng kinh tế, tăng năng suất rừng trồng với lượng tăng trưởng hằng năm từ 20 – 25 m3 /năm; xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn và rừng được cấp chứng chỉ FSC nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh doanh rừng.

Tập trung hướng dẫn ngư dân ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và bảo quản sản phẩm hải sản sau khai thác để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trên lĩnh vực thủy sản như: công nghệ chiếu sáng LED; hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá bằng vật liệu Polyurethane (PU); thiết bị định dạng AIS lắp trên tàu cá; thiết bị thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh…

Đẩy mạnh xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo hình thức ương 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, VietGAP, Biofloc, nuôi tôm trong nhà kính…; đa dạng hóa phương thức và đối tượng nuôi như nuôi kết hợp tôm – cua, tôm – rong câu, cá đối và cua… Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 72% số hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng KH&CN, trong đó có 13% hợp tác xã ứng dụng vào khâu sơ chế, chế biến các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như cà phê, lúa chất lượng cao, hồ tiêu, đậu xanh…

Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp là chìa khóa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn, là động lực quan trọng để thực hiện và hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN.

Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm để hình thành nên sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao với các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp vừa là đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ, vừa là đơn vị tiếp nhận những sản phẩm đầu ra của sản xuất.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; giới thiệu các tiến bộ, mô hình sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi khi đưa vào sản xuất thực tế mang lại hiệu quả cao, gắn với đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mới cho nông dân. Xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực… nhằm đạt được mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

 Thu Hạ (Báo Quảng Trị)

http://www.baoquangtri.vn/Kinh-te/modid/419/ItemID/171061/title/Day-manh-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-xay-dung-nong-thon-moi

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang chủCác danh mụcTài khoản
Tìm kiếm