“Triệu phú” vùng gò đồi Vĩnh Thủy
Với sự cần cù, chịu khó học hỏi, những năm qua ông Trần Chí Linh, thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi để đầu tư những giống cây trồng phù hợp. Hiện ông Linh đang có 1,5 ha thanh long ruột đỏ, 1,5 ha cam V2, 1 ha bưởi da xanh và 4 ha cao su… mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Đây là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của địa phương.
Cùng cán bộ Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Linh đúng lúc gia đình ông đang thu hoạch vườn thanh long chín rộ. Tận mắt chứng kiến thành quả và được nghe kể về quá trình lập nghiệp mới hiểu rõ sự cần mẫn, quyết tâm của người nông dân này.
Trước đây, gia đình ông gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, mặc dù đất đai nhiều song do chưa tìm được hướng phát triển kinh tế nên sản xuất chỉ đủ ăn. Tình cờ ông xem chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất vườn hiệu quả nên tìm hiểu và trồng 1,5 ha vào năm 2016.
Để thuận lợi cho việc chăm sóc, ông đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động. Tuy vậy, do địa hình đồi dốc cao, nguồn nước cung cấp ít nên toàn bộ hệ thống tưới không sử dụng được, buộc phải khoan giếng và xây thêm các bể chứa nước dự trữ.
Ông Linh cho biết: “Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, thu nhập thấp. Sau đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi còn tham khảo học tập thêm kỹ thuật chăm sóc cây từ những mô hình đã thành công ở trong và ngoài địa phương. Về kỹ thuật, để thanh long phát triển tốt cần chú trọng nguồn nước, sử dụng các loại phân chuồng được ủ kỹ, bón đúng thời điểm để cây cho nhiều quả và quả to”.
Nhờ chăm chỉ lao động, cần cù học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong sản xuất, đất không phụ công người, sau một thời gian, vườn thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế khá. Loại cây này cho thu hoạch 5 tháng liên tục/năm, sản lượng quả tăng dần, tuổi thọ của cây từ 20 – 25 năm tùy theo cách chăm sóc. Với giá bán từ 25.000- 30.000 đồng/kg, năm 2021 ông Linh thu nhập 150 triệu đồng từ mô hình này.
Không chỉ có thanh long, năm 2019, ông Linh còn đầu tư 200 triệu đồng để trồng thêm 1,5 ha cam V2; 1 ha bưởi da xanh và 0,5 ha vải thiều trồng xen canh cây ổi. Mô hình được áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, từ việc tưới bằng nguồn nước hợp vệ sinh đến cách làm cỏ, chăm bón đều không sử dụng hoá chất.
Ông Linh chia sẻ: “Trồng bưởi da xanh, cam thì đầu tư ban đầu không nhỏ, đặc biệt, người trồng phải nắm chắc kỹ thuật vì những loại cây này đòi hỏi chăm sóc kỹ nhưng bù lại, 2 loại cây trồng này cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, sản phẩm được thị trường ưa chuộng”.
Vào tháng 10/2021, ông Linh thu hoạch bán vụ đầu tiên được trên 1,5 tấn cam V2; 1 tấn bưởi da xanh thu được trên 120 triệu đồng. Dự kiến năm 2022, sản lượng cam và bưởi tăng gấp 1,5 lần so với vụ trước.
Không chỉ khai thác lợi thế vùng gò đồi để trồng các loại cây ăn quả, gia đình ông Linh còn sở hữu 4 ha cao su tiểu điền được trồng từ năm 2009. Ông Linh cho hay, vào khoảng từ năm 2010-2013 là thời hoàng kim của cây cao su khi giá mủ tăng cao kỷ lục. Sau đó thì giá mủ cao su bắt đầu xuống thấp và kéo dài, khiến người trồng cao su lâm vào cảnh điêu đứng, bế tắc.
Nhiều hộ dân ở địa phương lưỡng lự, phân vân có nên duy trì hay chặt bỏ loại cây trồng này nhưng ông thì không nản chí, luôn động viên các thành viên cùng cố gắng, kiên trì chăm sóc, duy trì diện tích cao su.
Từ đầu năm 2021, giá mủ cao su bắt đầu có dấu hiệu tăng, có thời điểm đạt đến khoảng gần 20.000 đồng/kg mủ đông; hiện tại, giá dao động từ 13.000 đồng đến 16.000 đồng/kg mủ đông. Tuy giá chưa thật cao lắm nhưng đây là tín hiệu đáng mừng.
Với sự chịu khó trong phát triển kinh tế, sau khi có nguồn vốn tích lũy, ông còn đầu tư thêm xe chạy dịch vụ và chăn nuôi bò, lợn…
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế, ông Linh nói: “Làm nông nghiệp cần có quỹ đất nhưng quan trọng hơn là phải xác định được cây trồng, vật nuôi phù hợp, sau đó cần áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi chủ lực, cần xen canh những loại cây trồng khác để tăng thu nhập và giảm bớt rủi ro”.
Mỹ Hằng (Báo Quảng Trị)
Không có bình luận