Người phụ nữ đi đầu phát triển kinh tế ở thôn Chênh Vênh
Không cam chịu đói nghèo, chị Hồ Thị Mươn ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa quyết tâm đổi mới phương thức phát triển kinh tế bằng cách đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi kinh nghiệm làm giàu của những người đi trước, đến nay mô hình này phát huy hiệu quả, giúp cuộc sống gia đình chị ngày càng tốt hơn. Chị được Hội LHPN xã chọn làm điển hình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ở địa phương.
Những năm đầu mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng chị Mươn rất khó khăn vì chủ yếu dựa vào nương rẫy, cách sản xuất lạc hậu nên các loại cây trồng không hiệu quả, nguy cơ đói ăn luôn thường trực khiến chị rất trăn trở. Từ kinh nghiệm sản xuất, chị Mươn biết điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Hướng Phùng thuận lợi trồng cà phê nên đã thông qua Hội LHPN xã trong việc tín chấp vay vốn ưu đãi và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để trồng 2 ha cà phê.
Để lấy ngắn nuôi dài, năm 2019 chị xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, trâu, bò, dê. Trong quá trình xây dựng mô hình, chị không ngừng học tập kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt qua sách báo, ti vi, tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Nhờ vậy, chị đã làm tốt việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi và cây trồng phát triển tốt, cuộc sống gia đình ngày càng cải thiện. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị phát triển với đàn lợn duy trì trên 10 con, trong đó 3 lợn nái và đàn trâu, bò 8 con.
Ở vùng đặc biệt khó khăn này, mô hình kinh tế của gia đình chị Mươn được chú ý, tạo động lực cho nhiều hội viên phụ nữ khác học tập phấn đấu vươn lên làm giàu. “Xuất thân trong gia đình nghèo khó, học hành không đến nơi đến chốn, không có nghề nghiệp ổn định nên sau khi tách hộ vợ chồng tôi khai hoang sản xuất. Quần quật quanh năm nhưng mãi không đủ ăn. Được sự quan tâm, tuyên truyền, vận động của cán bộ phụ nữ xã, tôi nhận thức được rằng, muốn xóa đói giảm nghèo thì phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, học hỏi áp dụng phương thức canh tác, chăn nuôi mới. Thời gian đầu trồng cà phê, chăn nuôi gặp không ít khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn động viên nhau khắc phục, duy trì và mở rộng mô hình. Nhờ vậy mới có được kết quả như ngày hôm nay”, chị Mươn chia sẻ.
Không chỉ chăm lo phát triển mô hình nông nghiệp tổng hợp, gia đình chị Mươn còn nhận xay xát lúa, nấu rượu men lá và mở quán tạp hóa phục vụ người dân trong thôn. Tận dụng nguồn cám từ công việc xay lúa, chị làm nguồn thức ăn cho đàn lợn, lấy lá cây cà phê làm thức ăn cho dê… Sau khi trừ mọi chi phí, bình quân mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp này đem lại nguồn thu nhập cho gia đình chị Mươn gần 100 triệu đồng.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Phùng Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết: “Chị Mươn là một hội viên phụ nữ gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của hội phụ nữ địa phương, là điển hình về sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ làm giàu cho riêng gia đình mình, chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, cách làm ăn phát triển kinh tế để chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng tiến bộ”.
Ngọc Trang (Báo Quảng Trị)
Không có bình luận