Thanh niên nông thôn tiên phong chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 dường như là một yếu tố hối thúc quá trình chuyển đổi số ở nông thôn diễn ra mạnh mẽ hơn. Thanh niên nông thôn tích cực thực hiện chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Những mô hình khởi nghiệp chuyển đổi số tiên phong của thanh niên nông thôn thành công cần được nhân rộng để tạo ra làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp trong thời gian tới.

Vượt qua 32 dự án tranh tài tại vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, dự án “Nông trại Cờ đỏ” của nhóm thuộc Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương (Nam Định) đã xuất sắc giành giải nhất. “Nông trại Cờ đỏ” là dự án sử dụng men vi sinh cải tạo đất, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu để sản xuất lúa sinh thái đạt tiêu chuẩn chất lượng. Lúa giống và quy trình sản xuất mới không chỉ giúp giảm rủi ro cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả năng suất cây trồng mà còn hướng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Anh Lương Văn Trường, trưởng nhóm dự án “Nông trại Cờ đỏ” chia sẻ, nhờ tích cực áp dụng công nghệ và thử nghiệm nhiều cách thức khác nhau, nhóm đã nghiên cứu ra quy trình sản xuất hạt giống sẵn và cung cấp ra thị trường hạt giống có chất lượng. Nếu bà con nông dân trong quá trình làm hạt giống gặp rủi ro thì có thể mua hạt giống sẵn khắc phục hậu quả và không bị bỏ lỡ mùa vụ.

Làm đã khó, thuyết phục người khác làm theo lại càng khó hơn. Sau khi có giống tốt, việc tiếp theo là thuyết phục người dân bỏ quy trình trồng lúa vốn có, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu mà sử dụng men vi sinh cải tạo đất để sản xuất ra lúa sinh thái. Với sức trẻ, không ngại khó, ngại khổ, cùng lợi thế tìm hiểu thông tin trên internet, ứng dụng công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thông qua công nghệ số, nhóm dự án đã thành công. Nhóm luôn đồng hành với người nông dân, cam kết nếu các hộ thực hiện theo đúng quy trình, kỹ thuật sản xuất thì sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, nhóm bảo đảm năng suất của diện tích trồng lúa giống theo phương pháp mới sẽ tương đương hoặc cao hơn so sản xuất thông thường. Nhờ được hỗ trợ khắc phục các khó khăn, mọi thắc mắc được giải đáp, người nông dân an tâm với công nghệ và quy trình mới.

Cách đây 5 năm, bà con dân tộc đồng bào thiểu số ở khu vực Tây Nguyên chưa quen với việc sử dụng máy tính, điện thoại hay mạng xã hội. Song, khi các dự án làm kinh tế nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi, thử nghiệm các mô hình khởi nghiệp, bà con vùng sâu, vùng xa bắt đầu được tiếp cận internet, mở rộng thị trường và liên kết kinh doanh, quảng bá, bán sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Chị Y-Ró, một thanh niên nông thôn đã khởi nghiệp thành công với Nhóm cà-phê xứ lạnh xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum chia sẻ, trong thời gian vừa qua, các tổ chức đoàn thể giúp chị em có công việc làm tại chỗ trong đợt dịch Covid-19, chị em có thêm thu nhập. Đặc biệt, có kết nối cung cầu sản phẩm được bao tiêu, khiến ai cũng yên tâm thực hiện theo các mô hình đã được giới thiệu.

Mặc dù không có kiến thức kinh doanh, không có vốn, nhưng chị Nguyễn Thị Mến (tỉnh Lâm Đồng) đã quyết định chuyển sang bán hàng trực tuyến khi thấy nông sản tại địa phương bị tiểu thương ép giá. Với việc quảng bá, tiêu thụ nông sản Đà Lạt trên các trang web, trang bán hàng trực tuyến, mô hình kinh doanh của chị Mến đã thành công trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Cũng ở khu vực Tây Nguyên, anh Trần Văn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19. Hợp tác xã hiện tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 thanh niên địa phương, với mức thu nhập mỗi người là từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng. Với việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội cho các sản phẩm như tinh dầu sả, tinh bột nghệ, khoai lang Nhật, bơ booth Chư Pưh…, doanh thu của hợp tác xã trong năm 2021 đạt hơn 2 tỷ đồng. Anh Trần Văn Công mong muốn có thể kết nối được với nhiều người trẻ, để xây dựng thành công hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, xây dựng sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho sản phẩm vươn xa. 

Để có thể đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, các mô hình, dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ cần được tập hợp, tạo nên mạng lưới dữ liệu về khoa học-công nghệ, để có thể ứng dụng rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước. Với đặc thù là một nước nông nghiệp, Việt Nam cần hình thành và xây dựng được chuỗi sản phẩm nông nghiệp để kết nối trong nước và vươn ra thế giới. Khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới công nghệ sẽ giúp các bạn trẻ chung tay gắn kết tạo ra một mạng lưới thực hiện tốt, tạo ra một cơ sở dữ liệu tri thức tốt và đồng thời tạo ra một cơ sở dữ liệu về khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo, để sẵn sàng có thể ứng dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Số lượng thanh niên biết và ứng dụng nền tảng số trong kết nối cung cầu còn hạn chế, số lượng mô hình thanh niên ứng dụng chuyển đổi số chưa nhiều; sàn thương mại điện tử chưa phát huy hết giá trị. Việc phải “giải cứu” nông sản diễn ra ở nhiều nơi, hay chuyện nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn diễn ra thường xuyên… Tuy nhiên, những thanh niên nông thôn đã nhanh chóng bắt nhịp với thời đại, tập trung vào việc đa dạng kênh bán hàng trên các nền tảng công nghệ mới, nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm đã được các bạn thanh niên chú trọng hơn. Việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu trên môi trường mạng cũng được đầu tư bài bản. Kỳ vọng thời gian tới, các sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử sẽ “bùng nổ” hơn để vươn đến mọi vùng miền, xóa nhòa ranh giới địa lý.

https://nhandan.vn/

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang chủCác danh mụcTài khoản
Tìm kiếm